Giãn phế quản là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Tác giả: BS.CKII Nguyễn Văn Tẩn
23/04/2025
Giãn phế quản là một tình trạng bệnh lý mạn tính của đường hô hấp mà không phải ai cũng hiểu rõ. Điều trị hiệu quả và sớm có thể giúp ngăn chặn các biến chứng nghiêm trọng và cải thiện đáng kể chất lượng sống cho người bệnh. Hãy cùng Phòng khám lao phổi Bác sĩ Tẩn tìm hiểu các phương pháp quản lý và điều trị giãn phế quản trong bài viết này

Giãn phế quản là gì?

Giãn phế quản là tình trạng bệnh lý mãn tính trong đó các đường dẫn khí của phổi (hay còn gọi là phế quản) bị tổn thương. Điều này khiến thành phế quản dày lên và giãn ra, vượt quá kích thước bình thường và không thể hồi phục. 

Bệnh này biểu hiện qua các triệu chứng như ho kéo dài, khạc đờm liên tục, tái đi tái lại các đợt nhiễm trùng hô hấp và đôi khi người bệnh còn ho ra máu.

Giãn phế quản là tình trạng giãn không hồi phục 1 phần của cây phế nang
Giãn phế quản là tình trạng giãn không hồi phục 1 phần của cây phế nang
 

Nguyên nhân gây giãn phế quản

Để hiểu rõ hơn về giãn phế quản, chúng ta cần xem xét các nguyên nhân gây ra tình trạng này, từ nhiễm trùng hô hấp lặp đi lặp lại đến các yếu tố bẩm sinh có thể ảnh hưởng đến cấu trúc phổi.

Nguyên nhân mắc phải 

  • Viêm nhiễm khuẩn: thường sau khi mắc bệnh viêm phổi do vi trùng hoặc do  virus như cúm hoặc sởi cũng có thể gây viêm hoại tử thành phế quản, làm tăng nguy cơ giãn phế quản.
  • Các yếu tố liên quan đến dị ứng và tổn thương cấu trúc phế quản: Viêm phổi hít do trào ngược dạ dày thực quản; hoặc dị ứng phổi do nấm Aspergillus có thể góp phần gây ra bệnh.
  • Tắc nghẽn đường thở: U, dị vật, hoặc các bệnh lý khác như lao phế quản có thể làm hẹp đường thở, dẫn đến tình trạng giãn phế quản bên dưới vùng bị tắc nghẽn 
  • Tổn thương xơ quanh phế quản: do các bệnh lý như di chứng lao phổi hay áp xe phổi.

Nguyên nhân bẩm sinh

Các nguyên nhân bẩm sinh của giãn phế quản chiếm khoảng 5-10% tổng số trường hợp.

  • Hội chứng Kartagener: Một dạng rối loạn di truyền hiếm gặp, gây ra bởi các lông chuyển trong đường hô hấp không hoạt động đúng cách, dẫn đến viêm phế quản tái phát và giãn phế quản. 
  • Hội chứng Mounier-Kuhn: Trong hội chứng này, ống phế quản to hơn bình thường do có vấn đề với cấu trúc mô liên kết xung quanh chúng.
  • Xơ nang phổi: Đây là một bệnh di truyền liên quan đến việc sản xuất chất nhầy dày, gây tắc nghẽn và nhiễm trùng phổi, dẫn đến giãn phế quản.
  • Hội chứng Young: Bao gồm giãn phế quản, viêm xoang và tình trạng vô tinh ở nam giới.
  • Thiếu gamma globulin: Một tình trạng mà trong đó cơ thể không sản xuất đủ lượng kháng thể cần thiết, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hô hấp, bao gồm cả giãn phế quản.
Nguyên nhân gây giãn phế quản 
Nguyên nhân gây giãn phế quản 

Triệu chứng bệnh giãn phế quản thường gặp

Các biểu hiện lâm sàng của giãn phế quản:

  • Triệu chứng nổi bật là ho, khạc đờm kéo dài, thường khạc đờm vào sáng sớm, số lượng có thể thay đổi theo diễn tiến bệnh. Đờm có thể lắng thành 3 lớp từ trên xuống dưới: bọt-nhầy-mủ.
  • Đôi khi gặp giãn phế quản thể khô (ho khạc ít đờm), hoặc biểu hiện triệu chứng ho ra máu (lượng ít đến nhiều).
  • Ngoài ra, bệnh nhân còn có triệu chứng như khó thở, khò khè và đau ngực kiểu màng phổi. 
  • Tiền sử các đợt nhiễm trùng đường hô hấp lặp lại trong nhiều năm.
  • Khi khám phổi, bác sĩ có thể phát hiện các tiếng ran giống như tiếng nổ hoặc tiếng ngáy, cũng như âm thanh ẩm ướt ở phần đáy của phổi. Những âm thanh này có thể xuất hiện ở một bên hoặc cả hai bên phổi.
  • Ngón tay dùi trống và biến dạng lồng ngực ngày nay hiếm khi được phát hiện.
Những triệu chứng gây ra giãn phế quản
Những triệu chứng gây ra giãn phế quản

Những ai có nguy cơ bị giãn phế quản

Các nhóm người có nguy cơ cao bị giãn phế quản bao gồm:

  • Phụ nữ: Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh giãn phế quản cao hơn so với nam giới. 
  • Người cao tuổi: Nguy cơ mắc bệnh giãn phế quản tăng lên đáng kể với tuổi tác, đặc biệt là ở những người từ 60 tuổi trở lên
  • Người tiếp xúc nhiều với khói bụi và chất độc hại: Những người làm việc trong môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với khói thuốc, bụi công nghiệp, và hóa chất tẩy rửa có nguy cơ cao phát triển bệnh giãn phế quản do ảnh hưởng trực tiếp đến đường hô hấp.
Những đối tượng có nguy cơ bị giãn phế quản
Những đối tượng có nguy cơ bị giãn phế quản

Giãn phế quản gây ra những biến chứng gì?

Giãn phế quản là một tình trạng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe, đặc biệt là liên quan đến hệ hô hấp. Điều này bao gồm:

  • Viêm phổi, áp xe phổi: do mủ ứ đọng ở ổ giãn phế quản gây ra.
  • Ho ra máu dai dẳng hoặc ho ra máu nặng đe dọa tính mạng.
  • Suy hô hấp, tâm phế mạn.
Biến chứng của giãn phế quản
Biến chứng của giãn phế quản

Chẩn đoán bệnh giãn phế quản như thế nào?

Để chẩn đoán bệnh giãn phế quản, các bác sĩ thường dựa vào triệu chứng lâm sàng và hình ảnh X-quang phổi. Sau đó, để xác định chính xác, họ sẽ sử dụng phương pháp chụp cắt lớp vi tính độ phân giải cao, giúp nhìn rõ hơn các tổn thương trong phổi. 

Các đặc điểm trên CT ngực là dấu hiệu đáng tin cậy của giãn phế quản bao gồm:

  • Tỷ lệ đường thở/động mạch ≥1,5 (đường kính lòng đường thở bên trong/đường kính động mạch phổi lân cận).
  • Thiếu sự thu hẹp của phế quản (hình dạng đường ray xe điện).
  • Thấy được phế quản dù sát thành ngực hoặc trung thất.

Bạn cũng có thể quan sát một số dấu hiệu rõ ràng qua các biểu hiện lâm sàng như ho kéo dài, khạc đờm liên tục hoặc tình trạng ho ra máu tái phát, cùng với tiền sử gặp phải nhiều đợt bệnh cấp tính.

Ngoài ra còn có các phương pháp xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán và điều trị khác như:

  • Xét nghiệm đàm để đánh giá tình trạng nhiễm trùng hô hấp, nhiễm lao, nhiễm nấm.
  • Chụp X-quang ngực thẳng để theo dõi tiến trình của bệnh nhân, đặc biệt khi có nghi ngờ bệnh nhân mắc giãn phế quản có thể bị viêm phổi hoặc các vấn đề sức khỏe khác xuất hiện.
  • Nội soi phế quản cho phép bác sĩ sử dụng một ống soi để xem xét trực tiếp bên trong phế quản. Nhờ đó, có thể phát hiện các tắc nghẽn, dị vật, hoặc các phế quản bị thu hẹp hoặc gấp khúc. 
  • Thăm dò chức năng phổi bằng cách xét nghiệm phế thân ký hoặc hô hấp ký. giúp đánh giá khả năng và hiệu quả của hệ hô hấp, đồng thời xác định mức độ ảnh hưởng của giãn phế quản đến chức năng hô hấp của bệnh nhân.
  • Kiểm tra tim mạch bằng điện tâm đồ và siêu âm tim  để phát hiện sớm các biến chứng tim mạch có thể phát sinh do giãn phế quản, đặc biệt là trong trường hợp bệnh nặng hoặc kéo dài. 
Chẩn đoán bệnh giãn phế quản
Chẩn đoán bệnh giãn phế quản

Phương pháp điều trị bệnh giãn phế quản

Để điều trị bệnh giãn phế quản, bác sĩ thường áp dụng các biện pháp sau nhằm giảm thiểu các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng tiềm ẩn. 

Cải thiện sự thanh lọc chất nhầy

  • Làm thông thoáng đường thở: Điều này bao gồm các phương pháp như vỗ rung để giúp bệnh nhân loại bỏ đờm, uống nhiều nước và sử dụng máy tạo độ ẩm để làm loãng đờm và làm thông thoáng đường thở.
  • Phục hồi chức năng hô hấp: Các bài tập hô hấp có thể được bác sĩ chỉ định để giúp cải thiện khả năng hô hấp.

Kiểm soát nhiễm trùng

  • Sử dụng kháng sinh theo đơn của bác sĩ, bao gồm kháng sinh dự phòng trong thời gian ổn định và điều trị nhiễm trùng khi cần thiết.

Cải thiện tình trạng tắc nghẽn đường dẫn khí

Để giảm tắc nghẽn đường thở, việc sử dụng thuốc giãn phế quản rất hữu ích. Loại thuốc này giúp mở rộng đường thở, làm cho việc thở trở nên dễ dàng hơn và cũng tăng cường khả năng loại bỏ đờm, đặc biệt hiệu quả trong những trường hợp có đường thở bị thu hẹp nhưng có khả năng phục hồi.

Điều trị các bệnh tiềm ẩn và bệnh đồng mắc

  • Điều trị bệnh tiềm ẩn: Bao gồm điều trị các bệnh nền như vi khuẩn Nontuberculous mycobacteria (NTM) ở phổi nếu có, bệnh lý dị ứng phổi, bệnh tự miễn, viêm xoang,..
  • Điều trị bệnh đồng mắc: Điều trị các bệnh đi kèm góp phần tăng tỷ lệ tử vong và nguy cơ nhập viện bao gồm bệnh lý ác tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy giảm nhận thức, bệnh viêm ruột, bệnh gan mãn tính, thiếu máu thiếu sắt, bệnh mạch máu ngoại biên, đái tháo đường, hen suyễn, tăng áp phổi và bệnh tim thiếu máu cục bộ. 

Điều trị khác

  • Sử dụng kháng viêm trong trường hợp đồng mắc với hen hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
  • Tiêm vắc xin phòng cúm, phế cầu.
  • Oxy liệu pháp và thông khí không xâm lấn tại nhà đối với bệnh nhân giãn phế quản có suy hô hấp mạn tính.
  • Phẫu thuật - ghép phổi: Nếu tình trạng ho ra máu nghiêm trọng không giảm bớt dù đã áp dụng các biện pháp điều trị thông thường. Trong một số trường hợp, có thể thực hiện thủ thuật tắc động mạch phế quản để kiểm soát lượng máu ra nhiều.
Điều trị bệnh giãn phế quản

Cách phòng ngừa bệnh giãn phế quản

Phòng ngừa bệnh giãn phế quản đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe hô hấp và ngăn chặn các biến chứng nghiêm trọng. Sau đây là một số cách bạn có thể tham khảo:

  • Tránh tiếp xúc với các chất gây kích ứng đường hô hấp: khói bụi, chất tẩy rửa, ngừng hút thuốc lá,...

  • Tiến hành tiêm chủng vaccine phòng cúm và phế cầu khuẩn hàng năm.

  • Giữ vệ sinh cho răng miệng và tai mũi họng thật sạch để phòng ngừa bệnh giãn phế quản.

  • Nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh nhiễm khuẩn ở răng miệng, tai mũi họng hoặc các bệnh lý đường hô hấp như viêm phế quản cấp hay áp xe phổi, cần được điều trị kịp thời.

  • Tăng cường sức khỏe bằng cách tập thể dục đều đặn, tập trung vào việc tăng cường sức đề kháng và giữ ấm vùng cổ và ngực để phòng tránh tình trạng bội nhiễm ở những người có bệnh lý nền.

  • Phát hiện và xử lý kịp thời các dị vật trong phế quản để tránh gây bệnh tình.

  • Cần chú ý đến việc điều trị lao sơ nhiễm ở trẻ em ngay từ giai đoạn đầu.

Ngừng hút thuốc lá là cách phòng ngừa giãn phế quản
Ngừng hút thuốc lá là cách phòng ngừa giãn phế quản

Hy vọng qua bài viết này, Phòng khám lao phổi BS Tẩn đã giúp bạn hiểu rõ hơn về giãn phế quản, cũng như nguyên nhân và các phương pháp điều trị hiệu quả cho tình trạng này. Nếu bạn hoặc người thân đang đối mặt với các triệu chứng liên quan đến giãn phế quản, không ngần ngại tham khảo ý kiến bác sĩ để có biện pháp can thiệp kịp thời và phù hợp. Việc hiểu biết đầy đủ và chủ động trong điều trị sẽ giúp bạn kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống.
 

BS.CKII. Nguyễn Văn Tẩn

Trưởng Khoa Lao và Bệnh Phổi - Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TPHCM

0913.80.50.82 - 0916.93.63.5