Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh lao

14/07/2024
Nhóm trực khuẩn lao không điển hình (Mycobacterium atypique): thường gây bệnh trên cơ địa suy giảm miễn dịch như AIDS, giống trực khuẩn lao về mặc hình thái, đặc điểm lâm sàng

Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh bao

a) Nhóm trực khuẩn lao gây bệnh cho người:
  • Trực khuẩn lao người (Mycobacterium tuberculosis) là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh lao ở người.
  • Trực khuẩn lao bò (Mycobacterium bovis) có thể gây bệnh ở người bằng đường tiêu hoá do uống sữa bị nhiễm khuẩn hoặc bằng đường hô hấp do tiếp xúc với bò bị lao.
  • Nhóm trực khuẩn lao không điển hình (Mycobacterium atypique): thường gây bệnh trên cơ địa suy giảm miễn dịch như AIDS, giống trực khuẩn lao về mặc hình thái, đặc điểm lâm sàng, dấu hiệu X-quang nhưng khác nhau về tính chất sinh vật học,sinh học phân tử, khả năng gây bệnh cho người, đáp ứng điều trị kháng lao và hiệu quả của điều trị dự phòng.
b) Vị trí tổn thương: hay bắt đầu từ vùng đỉnh phổi và vùng dưới đòn
c) Tuổi mắc bệnh: lao phổi thường gặp ở người già lớn do sức đề kháng giảm; ở trẻ em lao phổi hay gặp ở trẻ 10 – 14 tuổi
d)Yếu tố thuận lợi:
  •  Lây truyền: qua các giọt nước trong không khí từ chất tiết khi ho, nhảy mũi, nói chuyện hay khạc nhổ của người nhiễm vi khuẩn hoạt động. Người mắc lao hoạt động không điều trị có thể lây sang 20 người khác mỗi năm.
  • Các đối tượng nguy cơ: sống ở vùng lao phổ biến hoặc nơi đông người, nơi thu nhập kém, thiếu vắng dịch vụ y tế, suy giảm miễn dịch (như HIV/AIDS), nhân viên chăm sóc sức khoẻ phục vụ đối tượng có nguy cơ cao, trẻ em phơi nhiễm với người lớn thuộc nhóm nguy cơ cao, người tiêm chích ma tuý…
  • Một số cơ địa dễ mắc lao phổi: bệnh bụi phổi, bệnh phổi do virus, đái tháo đường, loét dạ dày – tá tràng, HIV/AIDS, suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai, nghiện rượu, người già…
  • Yếu tố gen: vai trò của hệ HLA, Haptoglobin…

Triệu chứng của bệnh lao

a)Triệu chứng về hô hấp:
  • Các triệu chứng quan trọng nhất là: ho, khạc đờm, ho máu. Ho khạc đờm là những dấu hiệu hay gặp nhất trong các dấu hiệu quan trọng gợi tới chẩn đoán lao phổi.
  • Ho ra máu là triệu chứng có thể gặp ở 60% những người lao phổi thể hiện có tổn thương, chảy máu trong đường hô hấp. Mọi bệnh nhân ho trên 3 tuần không phải do viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, ung thư phổi dùng thuốc kháng sinh không giảm ho phải nghĩ đến do lao phổi.
  • Các triệu chứng khác là: đau ngực, khó thở, có tiếng ran khu trú ở một vùng của phổi v.v…
b) Triệu chứng toàn thân:
  • Quan trọng nhất là: gầy, sút cân, sốt, ra mồ hôi.  Sốt có thể ở nhiều dạng: sốt cao, sốt thất thường nhưng hay gặp nhất là sốt nhẹ hoặc gai gai lạnh về chiều. Những bệnh nhân gầy, sút cân không có nguyên nhân rõ ràng, không phải do tiêu chảy, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV/AIDS … có các triệu chứng hô hấp như trên đã nêu phải nghĩ tới do lao phổi.
  • Các triệu chứng toàn thân khác là: chán ăn, mệt mỏi, giảm khả năng làm việc v.v…

Chẩn đoán xác định lao

a) Khi soi trực tiếp có vi khuẩn ở trong đàm (thể điển hình):

Chẩn đoán xác định khi

  • Có tối thiểu 2 tiêu bản AFB (+)  từ 2 mẫu đờm khác nhau
  • Một tiêu bản đờm AFB (+) và có hình ảnh tổn thương nghi lao trên X quang phổi: thâm nhiễm hoặc tạo hang vùng đỉnh phổi hoặc tổn thương dạng kê lan tỏa 2 phổi
  • Một tiêu bản đờm AFB (+) và nuôi cấy có vi khuẩn lao
b) Khi soi trực tiếp không có vi khuẩn ở trong đàm:
  • Khi có điều kiện cần làm thêm nuôi cấy (môi trường Loeweinstein – Jensen) hoặc các kỹ thuật chẩn đoán khi có ít vi khuẩn lao trong bệnh phẩm (PCR, ELISA, BACTEC…).
  • Nội soi phế quản ống mềm cũng giúp ích nhiều trong trường hợp tổn thương phổi nhưng bệnh nhân không ho khạc đờm hay cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh phổi mạn tính khác có tổn thương giống lao như nấm phổi hay ung thư … mà dựa trên lâm sàng hay X quang ngực không thể chắc chắn được.
  • Dựa vào lâm sàng, đặc điểm của tổn thương trên X quang phổi, các xét nghiệm và không đáp ứng với điều trị kháng sinh, đáp ứng với điều trị thuốc lao để chẩn đoán cho từng trường hợp.