Tràn khí màng phổi là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị

Tác giả: BS.CKII Nguyễn Văn Tẩn
20/05/2025
Tràn khí màng phổi (Pneumothorax): Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa bệnh. Cách phòng ngừa bệnh lao phổi

Tràn khí màng phổi là một tình trạng cấp cứu y tế liên quan đến phổi. Khi đó, không khí bị kẹt giữa phổi và thành ngực, tạo ra áp lực đè ép khiến phổi bị xẹp một phần hoặc toàn bộ. Tình trạng này có thể xảy ra với bất kỳ ai, từ người khỏe mạnh đến người có bệnh lý về phổi. Hãy cùng Phòng khám lao phổi Bác sĩ Tẩn tìm hiểu kỹ hơn về tràn khí màng phổi trong bài viết dưới đây!

1. Tràn khí màng phổi là gì? 

Màng phổi là một lớp màng mỏng bao quanh phổi, gồm 2 lớp là màng phổi thành và lớp màng phổi tạng, có tác dụng giữ cho phổi bám chặt vào thành ngực, cân bằng áp lực trong phổi, giúp giảm ma sát và phổi co giãn khi thở. 

Tràn khí màng phổi là tình trạng không khí từ môi trường ngoài xâm nhập vào trong khoang màng phổi, gây ra hiện tượng phổi bị xẹp một phần hoặc toàn bộ. Tràn khí ở màng phổi có thể ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của phổi, gây ra tình trạng đau ngực, khó thở cho người bệnh.

Cách nhận biết tràn khí màng phổi qua chụp CT ngực

Cách nhận biết tràn khí màng phổi qua chụp CT ngực

2. Nguyên nhân gây bệnh tràn khí màng phổi 

Tràn khí màng phổi có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe nền và yếu tố tác động bên ngoài của từng người. Các nguyên nhân thường gặp bao gồm: 

Nguyên nhân gây bệnh tràn khí màng phổi 
Nguyên nhân gây bệnh tràn khí màng phổi 

2.1 Tràn khí màng phổi tự phát

Xảy ra mà không có nguyên nhân rõ ràng, thường gặp ở những người trẻ khỏe mạnh (20-30 tuổi), không có bệnh lý phổi nền, đặc biệt ở nam giới, những người có thể trạng gầy và cao. Nguyên nhân có thể là do một vết rách nhỏ ở phế nang (phần nhỏ nhất của phổi).

2.2 Tràn khí màng phổi thứ phát

Thường gặp ở những người lớn tuổi (60-65 tuổi), có bệnh lý phổi nền như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh xơ phổi, hoặc bệnh phổi kẽ. Những bệnh này làm suy yếu cấu trúc phổi, dễ dẫn đến rách và tràn khí.

2.3 Tràn khí màng phổi do chấn thương

Tràn khí màng phổi do chấn thương ngực kín hoặc hở, chấn thương do các thủ thuật liên quan đến chẩn đoán và điều trị (đặt đường truyền tĩnh mạch trung ương, thở máy, chọc dò màng phổi, sinh thiết xuyên thành phế quản). Chấn thương tạo ra van một chiều trong khoang màng phổi cho luồng không khí đi vào và gây rối loạn huyết động.

3. Triệu chứng của tràn khí màng phổi

Hầu hết các đợt tràn khí màng phổi tự phát thường xảy ra khi vận động. Đôi khi xuất hiện trong khi tập thể dục, đi máy bay, lặn xuống biển hoặc có thể xảy ra trong hoặc sau khi làm thủ thuật xâm lấn hoặc chấn thương ở ngực, cổ, ruột hoặc bụng.

Hai triệu chứng chính của tràn khí màng phổi là đau ngực và khó thở. Theo thống kê, 64% bệnh nhân bị tràn khí màng phổi có cả hai triệu chứng này. Triệu chứng khởi phát đột ngột, thường một bên. Mức độ nặng của các triệu chứng chủ yếu liên quan đến thể tích khí trong khoang màng phổi và khả năng bù trừ của phổi. Cụ thể:

  • Đau ngực đột ngột, dữ dội, tăng khi hít thở sâu, có thể lan đến vai cùng bên.
  • Khó thở đột ngột hoặc khởi phát dần dần tùy thuộc vào tốc độ phát triển và mức độ của tràn khí màng phổi.

Các dấu hiệu lâm sàng của tràn khí màng phổi bao gồm: rung thanh giảm, gõ vang, rì rào phế nang giảm hoặc mất; bệnh nhân bứt rứt, kích thích, vã mồ hôi, mạch nhanh, lồng ngực bên tràn khí kém di động, có thể kèm tràn khí dưới da. Tràn khí lượng nhiều có thể gây suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Triệu chứng của tràn khí màng phổi
Triệu chứng của tràn khí màng phổi

4. Phương pháp chẩn đoán tràn khí màng phổi

Triệu chứng lâm sàng nghi ngờ tràn khí màng phổi:

  • Chụp X-quang ngực là phương pháp chẩn đoán chính, giúp xác định sự hiện diện của khí trong khoang màng phổi, đánh giá mức độ tràn khí và biến chứng nếu có. Hình ảnh X-quang có thể thấy đường màng phổi tách rời và vùng phổi xẹp.
  • Chụp CT ngực được thực hiện để có cái nhìn chi tiết hơn, phát hiện tràn khí nhỏ và đánh giá nguyên nhân nền như bóng khí vỡ hoặc bệnh phổi kẽ.

5. Cách điều trị tràn khí màng phổi như thế nào?

Điều trị tràn khí màng phổi phụ thuộc vào mức độ tràn khí và nguyên nhân gây ra. Một số trường hợp có thể điều trị đơn giản bằng cách theo dõi và cung cấp oxy, trong khi những trường hợp nghiêm trọng cần phải hút khí, đặt ống dẫn lưu hoặc phẫu thuật để điều trị. Tất cả các trường hợp tràn khí màng phổi phải thăm khám và theo dõi sát bởi bác sĩ tại các cơ sở y tế.

  • Mức độ nhẹ: Nếu tràn khí màng phổi ít và bệnh nhân không có triệu chứng nghiêm trọng nên được nghỉ ngơi, theo dõi, thở oxy liệu pháp, theo dõi sát diễn tiến bệnh theo chỉ định của bác sĩ.
  • Mức độ trung bình và nặng: cần can thiệp bằng chọc kim hút khí hoặc đặt ống dẫn lưu để loại bỏ khí nhanh chóng ra khỏi khoang màng phổi.

Phẫu thuật hoặc làm dính màng phổi:  được xem xét trong các trường hợp tràn khí màng phổi kéo dài (>7 ngày), tràn khí màng phổi tái phát nhiều lần, tràn khí màng phổi không nở sau đặt ống dẫn lưu, phẫu thuật cắt bóng khí, khâu lỗ rò khí quản phổi.

Cách điều trị tràn khí màng phổi
Cách điều trị tràn khí màng phổi

6. Cách phòng ngừa bệnh tràn khí màng phổi 

Để phòng ngừa bệnh tràn khí màng phổi, bạn có thể áp dụng một số cách sau:

  • Ngừng hút thuốc
  • Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe, tăng cường và cải thiện chức năng hô hấp.
  • Tránh các hoạt động có thể gây áp lực mạnh lên ngực.
  • Tránh tiếp xúc lâu dài với môi trường ô nhiễm.
  • Điều trị và kiểm soát tốt các bệnh lý nền.
  • Sử dụng các biện pháp bảo vệ khi tham gia giao thông, tránh các hoạt động nguy hiểm có thể gây chấn thương ngực.
  • Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý phổi tiềm ẩn.
  • Đối với những người có nguy cơ cao bị tràn khí màng phổi tái phát (ví dụ, tràn khí tự phát nhiều lần hoặc có bệnh phổi nền nặng), phẫu thuật có thể được chỉ định để ngăn ngừa tái phát.

 Hy vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ hơn về bệnh tràn khí màng phổi, từ nguyên nhân, triệu chứng cho đến các phương pháp chẩn đoán phổ biến. Tràn khí màng phổi là một tình trạng không nên chủ quan vì có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. 

 Nếu bạn đang gặp các dấu hiệu như đau ngực đột ngột, khó thở, hoặc cần được tư vấn và kiểm tra chuyên sâu, đừng ngần ngại liên hệ ngay với Phòng khám Lao Phổi Bác sĩ Tẩn. Tại đây, đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị hiện đại sẽ giúp bạn thăm khám, chẩn đoán chính xác và hướng dẫn điều trị hiệu quả nhất.  

Hãy chủ động bảo vệ lá phổi của mình ngay hôm nay!