Xét nghiệm lao phổi: Quy trình, chi phí và kết quả
Xét nghiệm lao phổi là gì?
Xét nghiệm lao phổi là các phương pháp y khoa được sử dụng để phát hiện và chẩn đoán bệnh lao, một bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Mục tiêu của các xét nghiệm là phát hiện sự hiện diện của vi khuẩn lao trong cơ thể, đánh giá mức độ lan rộng của bệnh, cũng xác định xem vi khuẩn có kháng lại các loại thuốc điều trị hay không.

Những trường hợp cần xét nghiệm lao phổi
Những người có nguy cơ cao mắc lao phổi và cần được xét nghiệm để điều trị kịp thời:
- Người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh lao phổi (thành viên sống cùng nhà hoặc người làm việc, học tập cùng phòng ở cơ quan, trường học,..)
- Người có tiền sử chẩn đoán, điều trị bệnh lao trước đây.
- Người mắc các vấn đề rối loạn, suy giảm miễn dịch như: bệnh tự miễn, nhiễm HIV, dùng thuốc ức chế miễn dịch lâu dài như Corticosteroid, liệu pháp hoá chất chữa ung thư, hoặc các bệnh khác liên quan đến suy giảm miễn dịch.
- Người mắc các bệnh mạn tính: đái tháo đường, suy thận mạn,...
- Trẻ em suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng nặng và trẻ em chưa được tiêm phòng vắc xin BCG.
- Người sống trong môi trường ngột ngạt, hệ thống thông gió không tốt. Chẳng hạn quản giáo, tù nhân, bệnh nhân tâm thần,..
- Người có thói quen nghiện rượu, ma túy, thuốc lá hoặc thuốc lào
- Các nhân viên trong ngành y tế, đặc biệt là những người làm việc trong khoa chuyên về lao và bệnh phổi.

Các loại xét nghiệm lao phổi
Các loại xét nghiệm lao phổi đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán và theo dõi quá trình điều trị bệnh. Mỗi phương pháp mang lại những thông tin cụ thể giúp các bác sĩ xác định giai đoạn bệnh và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất.
Nhuộm và soi kính hiển vi để tìm vi khuẩn Lao AFB
AFB là tên gọi tắt của xét nghiệm vi khuẩn lao (Acid Fast Bacillus test). Qua xét nghiệm này, các vi khuẩn lao được phát hiện trực tiếp trên kính hiển vi, được lấy từ các mẫu bệnh phẩm như đờm hay dịch phế quản. Phương pháp này có độ nhạy khoảng 50-60% và độ đặc hiệu từ 98-99%, cho phép bác sĩ phát hiện vi khuẩn lao một cách nhanh chóng và có chi phí thấp.
Quy trình chuẩn bị và đánh giá kết quả:
Để thực hiện xét nghiệm, bệnh nhân cần cung cấp ít nhất hai mẫu đờm trong cùng một ngày, với thời gian cách nhau ít nhất hai giờ. Sau đó, các mẫu sẽ được xử lý bằng phương pháp nhuộm Ziehl-Neelsen và quan sát dưới kính hiển vi nhằm phát hiện vi khuẩn lao.
Trước khi lấy mẫu, bệnh nhân được khuyến nghị tuân theo một số hướng dẫn như tránh ăn uống và vệ sinh răng miệng cẩn thận để đảm bảo chất lượng đờm thu thập.
- Nếu một mẫu dương tính trở lên (AFB+): Điều này cho thấy sự hiện diện của vi khuẩn lao, tức là bệnh nhân đang mắc bệnh lao với mức độ lây lan mạnh. Vì vậy, người bệnh cần tiếp tục được điều trị và theo dõi để kiểm soát bệnh.
- Nếu cả 2 mẫu đều âm tính (AFB-): Có khả năng mắc bệnh lao nếu vẫn có nghi ngờ cao về tình trạng nhiễm bệnh dựa trên các triệu chứng lâm sàng hoặc tiền sử tiếp xúc với bệnh nhân lao. Lúc này bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm bổ sung.
Nhuộm soi trực tiếp tìm AFB để phát hiện lao phổi
Nuôi cấy vi khuẩn lao
Nuôi cấy vi khuẩn lao được coi là phương pháp chính xác nhất để chẩn đoán bệnh lao và kiểm tra khả năng kháng thuốc của vi khuẩn. Phương pháp này có thể áp dụng cho hầu hết các loại bệnh phẩm khác nhau (bao gồm đờm, nước tiểu, dịch não tủy,..) ngoại trừ máu.
Trong quá trình nuôi cấy vi khuẩn lao, mẫu bệnh phẩm sẽ được đặt vào một môi trường thích hợp. Hai phương pháp được sử dụng rộng rãi bao gồm môi trường lỏng BACTEC MGIT và môi trường đặc Lowenstein-Jensen. Trong đó, môi trường lỏng thường được chọn lựa vì khả năng thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn nhanh hơn, giúp thu ngắn thời gian cần thiết để đạt được kết quả (1-2 tuần), từ đó giúp bác sĩ kịp thời chẩn đoán và phác đồ điều trị cho người bệnh.

Chụp X-quang ngực trong bệnh lao phổi
Chụp X-quang ngực là phương pháp phổ biến với độ nhạy trên 90%, đặc biệt hiệu quả trong các trường hợp lao phổi AFB dương tính. Những người có triệu chứng ho, khạc đờm, hoặc khó thở nên chụp X-quang để kiểm tra. Ngoài ra, phương pháp này cũng rất cần thiết với nhóm nguy cơ cao như bệnh nhân đái tháo đường, người cao tuổi, người suy dinh dưỡng và người nhiễm HIV.
Có nhiều kỹ thuật X-quang khác nhau được áp dụng để chẩn đoán lao phổi. Phổ biến nhất là chụp phổi thẳng, chụp phổi nghiêng và chụp đỉnh phổi. Tuy nhiên, nếu các phương pháp này không đủ để chẩn đoán chính xác, bác sĩ có thể sử dụng chụp cắt lớp vi tính (CT). Đối với các trường hợp phức tạp hơn, các kỹ thuật chuyên sâu như dựng hình phế quản, chụp động mạch phổi (soi phế quản ảo), chiếu phổi trên truyền hình tăng sáng,.. cũng được áp dụng để hỗ trợ chẩn đoán.
Một số dấu hiệu trên hình ảnh X-quang để chẩn đoán lao phổi như thâm nhiễm, nốt và hàng, xuất hiện trên một hoặc cả hai bên phổi. Đối với bệnh nhân nhiễm HIV, các hình ảnh X-quang ít khi cho thấy các hang. Thay vào đó, những tổn thương thường được thấy ở khu vực tổ chức kẽ và nằm ở những vùng thấp hơn của phổi.
Xét nghiệm sinh học phân tử
Xét nghiệm sinh học phân tử thường dựa trên việc phân tích ADN và ARN của các vi khuẩn hoặc virus gây bệnh. Sau đây là những phương pháp phổ biến được sử dụng:
- PCR: là xét nghiệm sinh học phân tử đã được ứng dụng lâu đời. Tuy nhiên, phương pháp này thường không phân biệt được vi khuẩn lao sống hay chết nên dễ có dương tính giả. Gần đây xét nghiệm này không còn được khuyến cáo sử dụng để chẩn đoán bệnh lao.
- Xpert - MTB: Với sự phát triển của kỹ thuật sinh học phân tử, xét nghiệm Xpert ra đời mang tính đột phá cho kết quả chỉ sau 2 giờ với độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Kết quả Xpert cho biết có sự xuất hiện của vi khuẩn lao và có kháng thuốc chống lao Rifampicin hay không. Xét nghiệm này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế khuyến nghị là phương pháp ưu tiên cho các trường hợp có nghi ngờ và cần chẩn đoán bệnh lao và/hoặc lao đa kháng thuốc.
- LPA (Line Probe Assay) còn được biết đến với tên gọi Hain test, có thể chẩn đoán bệnh lao và xác định sự kháng thuốc (kháng Rifampicin, Isoniazid cùng lúc) và một số thuốc kháng lao hàng 2. Đây là phương pháp phức tạp yêu cầu trang thiết bị hiện đại và kỹ thuật cao tại phòng xét nghiệm, cũng như đội ngũ nhân viên kỹ thuật có kinh nghiệm để thực hiện. Xét nghiệm này có khả năng nhận định sớm các ca bệnh lao đa kháng thuốc, tiền siêu kháng thuốc và siêu kháng thuốc, đặc biệt quan trọng tại các quốc gia có tỷ lệ cao lao kháng thuốc.

Xét nghiệm phản ứng lao tố
Có nhiều loại xét nghiệm khác nhau để kiểm tra phản ứng của cơ thể đối với vi khuẩn lao, trong đó phổ biến là xét nghiệm TST, xét nghiệm IDR, xét nghiệm mantoux hay phản ứng tuberculin. Phương pháp này sử dụng một chất chiết xuất từ vi khuẩn lao để xem cơ thể có phản ứng mẫn cảm với nó không.
Nếu người bệnh đã nhiễm lao, vùng tiêm sẽ xuất hiện phản ứng sau 48-72 giờ, biểu hiện qua việc sưng đỏ, cứng hoặc nổi bóng nước. Đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể đã có sự tiếp xúc với vi khuẩn lao.
- Phản ứng dương tính: Đường kính ngang của nốt sẩn đo được ≥ 10mm (hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất Tuberculin).
- Trường hợp đặc biệt: Người nhiễm HIV; cấy ghép tạng; suy giảm miễn dịch do dùng các thuốc ức chế miễn dịch: Đường kính ngang của nốt sẩn ≥ 5mm được xem là phản ứng dương tính.

Quy trình xét nghiệm lao phổi
Quy trình xét nghiệm lao phổi gồm các bước sau để đảm bảo chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả:
- Khám lâm sàng ban đầu: Đặt lịch hẹn với bác sĩ chuyên khoa lao - hô hấp. Bác sĩ sẽ thu thập thông tin về lịch sử y tế, các triệu chứng và mức độ tiếp xúc với người bệnh lao.
Đánh giá và chọn xét nghiệm: Dựa trên đánh giá rủi ro và triệu chứng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ quyết định các xét nghiệm cần thiết như X-quang ngực, kiểm tra AFB, GeneXpert-MTB, hoặc cấy MGIT đàm. - Thực hiện xét nghiệm: Lấy mẫu thử theo chỉ dẫn chính xác để đảm bảo kết quả xét nghiệm đáng tin cậy.
- Chờ đợi và nhận kết quả: Thời gian chờ có thể dao động tùy theo phương pháp xét nghiệm.
- Phân tích kết quả: Bác sĩ sẽ xem xét kết quả để xác định chính xác tình trạng bệnh và giai đoạn của lao.
- Lập kế hoạch điều trị: Dựa vào kết quả, bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp điều trị phù hợp, từ thuốc kháng sinh đến can thiệp y tế khác.

Kết quả xét nghiệm lao phổi bao lâu?
Thời gian để nhận kết quả xét nghiệm lao phổi cũng tùy thuộc vào loại xét nghiệm được bác sĩ chỉ định. Ngày nay các kỹ thuật xét nghiệm ngày càng tiến bộ và rút ngắn thời gian thực hiện nên kết quả nhận được khá nhanh so với trước đây như:
- Kỹ thuật nhuộm soi tìm AFB đờm thường cho kết quả ngay sau nhuộm soi trực tiếp.
- Kỹ thuật nuôi cấy vi khuẩn lao thường cho ra kết quả sau khoảng 2-6 tuần, tùy thuộc vào tốc độ vi khuẩn sinh sản, nuôi cấy trong môi trường lỏng hay đặc.
- Kỹ thuật chụp X-quang và CT scan ngực sẽ trả kết quả ngay sau khi chụp.
- Với phương pháp xét nghiệm lao tố (phản ứng tuberculin), nhân viên y tế sẽ kiểm tra vị trí tiêm sau khoảng 48 – 72 giờ
- Xét nghiệm sinh học phân tử: Xpert có kết quả sau khoảng 2 giờ, LPA có kết quả sau khoảng 48 giờ,...

Chi phí xét nghiệm lao phổi
Chi phí xét nghiệm bệnh lao thường dao động trong khoảng 80.000 - 400.000 đồng cho mỗi lần xét nghiệm. Tuy nhiên, điều này còn thay đổi tùy vào cơ sở y tế công hay tư, mức độ uy tín về chuyên môn và sự hiện đại của thiết bị kỹ thuật tại nơi khám.
Các mức giá sau đây chỉ mang tính chất tham khảo và có thể thay đổi tùy theo từng đơn vị cung cấp dịch vụ:
- CT scan ngực không cản quang khoảng 1.000.000 đồng
- Chụp X-quang ngực thẳng 1 phim: 53.200 - 100.000 đồng.
- Xét nghiệm AFB trực tiếp nhuộm huỳnh quang, xét nghiệm AFB trực tiếp nhuộm Ziehl-Neelsen: 66.800 -76.100 đồng.
- Xét nghiệm Mycobacterium tuberculosis Xpert: 300.000- 1.054.000 đồng tùy cơ sở y tế công hay tư.
- Xét nghiệm Mycobacterium tuberculosis đa kháng LPA: 903.000-1.028.000 đồng.
- Xét nghiệm Mycobacterium tuberculosis nuôi cấy môi trường lỏng: 286.000- 323.000 đồng.
Xét nghiệm lao phổi ở đâu TPHCM?
Phòng khám chuyên khoa Lao Phổi của Bác sĩ Nguyễn Văn Tẩn là một địa điểm y tế uy tín được nhiều người bệnh tin tưởng tại TP.HCM. Bác sĩ Tẩn với hơn 25 năm kinh nghiệm, hiện đang giữ chức vụ Trưởng khoa Lao và Bệnh phổi tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, cam kết cung cấp dịch vụ y tế chất lượng tốt nhất, đảm bảo sự hài lòng của người bệnh. Phòng khám hiện nay đang được tổ chức phi chính phủ FIT tài trợ cho người bệnh được chụp phim x-quang phổi và xét nghiệm đờm Xpert-MTB miễn phí.
Phòng khám chuyên hỗ trợ và điều trị cho các bệnh lý về Lao và Bệnh phổi bao gồm: Lao phổi lao hạch, lao xương khớp, nấm phổi, viêm phổi, hen (suyễn),... Ngoài ra, đội ngũ y bác sĩ tại phòng khám luôn tận tâm với bệnh nhân, không chỉ trong quá trình điều trị mà còn ở khâu tư vấn và hỗ trợ sau điều trị, nhằm đảm bảo bệnh nhân có thể hồi phục tốt nhất và quản lý được tình trạng sức khỏe của mình sau khi rời phòng khám.
Hy vọng rằng qua những thông tin đã chia sẻ, bạn đã có cái nhìn rõ ràng hơn về quy trình, chi phí và tầm quan trọng của các xét nghiệm lao phổi. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào liên quan đến bệnh, bạn nên thăm khám và thực hiện xét nghiệm kịp thời tại Phòng khám lao phổi Bác sĩ Nguyễn Văn Tẩn để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh.
BS.CKII. Nguyễn Văn Tẩn
Trưởng Khoa Lao và Bệnh Phổi - Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TPHCM
0913.80.50.82 - 0916.93.63.5